
Nỗi sợ bị đánh giá
Thứ sáu, 24/03/2023
Mình từng là một người rất sợ bị đánh giá, sợ bị phán xét, cho đến khi mình nghe được câu nói: Không ai đánh giá phán xét bạn đâu, vì họ còn bận quan tâm xem, có ai đánh giá phán xét họ hay không.
Lúc đó, mình đã cảm thấy như được giải phóng khỏi một nhà tù, mang tên 'sợ bị đánh giá', sợ mình chưa đủ giỏi, chưa đủ tốt'
Dưới đây là một vài điều mình đã nhận ra, cũng như cách mình đối diện từng bước nhỏ, với nỗi sợ bị đánh giá.
1. Nỗi sợ bị đánh giá đến từ đâu?
- Nỗi sợ bị đánh giá thường tới từ một hoặc nhiều trải nghiệm trong quá khứ, khi chúng ta còn trẻ, dễ bị lung lay. Từ những nhận xét không mang tính đóng góp, mà là chỉ trích, phán xét, khiến chúng ta sợ.
Một trải nghiệm của mình, đó là hồi trước mình rất thích viết, và hay viết về những điều mình suy nghĩ. Một ngày, người bạn cấp 3 của mình vào comment: Mày bị làm sao đấy, dạo này triết lý như bà cụ vậy, bớt nghĩ đi...
Lúc đó, mình cảm thấy rất tổn thương, run sợ vì mình cảm giác 'bị công kích', phán xét. Dù mình ý thức bạn không có ý gì đâu, hoặc chỉ nói cho vui. Và một khoảng thời gian rất lâu sau mình cực kỳ ngại viết, luôn lo sợ bị đánh giá.
- Nỗi sợ bị đánh giá còn tới từ việc chúng ta nhìn thấy những người khác bị 'công kích, phán xét' trên mạng xã hội, và chúng ta sợ bị giống như vậy. Mạng xã hội đưa con người gần nhau hơn, nhưng cũng khiến cho nhiều mặt trái được bộc lộ
- Thêm một góc nhìn nữa là do chính chúng ta cũng từng phán xét, đánh giá, thậm chí là công kích người khác. Nên chúng ta sợ mình cũng sẽ bị phán xét ngược lại.
2. Nỗi sợ bị đánh giá ảnh hưởng như nào tới chúng ta?
Nó làm chúng ta tê liệt, khiến chúng ta sợ hãi, nghĩ ra rất nhiều tình huống xấu, khiến chúng ta luôn cảm thấy mình chưa đủ giỏi. Và tất nhiên, điều đó sẽ kéo theo là ảnh hưởng tới công việc.
3. Vậy cần làm gì?
- Mình hay nói với bản thân: Yếu thì đừng vội đi ra gió. Như một cây con mới trồng, giai đoạn đầu cần được bảo vệ, chăm sóc, để rễ cây vững chãi. Hãy nuôi dưỡng một nội lực vững vàng bằng cách: hiểu về bản thân, học hỏi, phát triển bản thân.
- Tiếp theo, hãy trò chuyện với nỗi sợ, xem đó như một người bạn: nỗi sợ ơi, tớ đang có mặt ở đây. Cậu sợ bị đánh giá như vậy, chắc hẳn những tổn thương từng khiến cậu rất buồn đúng không? kể tớ nghe nào
- Thứ 3, hãy nhắc mình đừng đánh giá, công kích bất kỳ ai. Có thể mình không thích, hãy bỏ qua, nếu muốn đóng góp hãy đóng góp trên tinh thần mong muốn mọi thứ tốt hơn.
Đừng như ví dụ dưới đây bạn nhé
A: Này tao thấy mày viết chán quá.
B: Cụ thể chán như nào? tao nên làm gì để cải thiện
A:Tao chả biết, thấy chán thì tao nói chán. Mà dạo này, tao nhìn cái gì tao cũng thấy chán
- Cuối cùng, đối lập với nỗi sợ bị đánh giá, là sự tự tin vào bản thân. Vậy, hãy học cách xây dựng sự tự tin, từ những điều nhỏ nhỏ. Ghi nhận bản thân mỗi ngày. Bắt đầu với những điều bạn yêu thích, hạnh phúc.
Khi đó bạn sẽ tập trung với điều bạn muốn làm, và không còn bị hướng ra bên ngoài.
Thay vì: ôi bài viết chả có ai like, chắc do mình viết chán quá
Thì hãy ghi nhận: mình đã dám viết ra, mình rõ ràng hơn về tư duy, mình đã viết tốt hơn rồi....
4. Kết lại
Nỗi sợ bị đánh giá, sợ mình chưa đủ giỏi, như một người bạn ở bên cạnh, giúp chúng ta chậm hơn, làm mọi thứ cẩn thận hơn.
Song song đó, hãy nuôi dưỡng thêm người bạn tự tin, người bạn dũng cảm. Để bạn không bị cuốn theo một chiều nào cả. Liên tục hướng tới sự cân bằng, để chúng ta ngày càng tốt hơn
Mình hi vọng bài viết có chút hữu ích với bạn. Và cũng rất mong được lắng nghe góc nhìn của bạn về nội dung này. Chia sẻ cùng với mình nha.
Cảm ơn bạn thật nhiều
Ketnoivoitien