Bài viết lập luận logic hơn | Hành trình học viết từ đầu Phần 2
Chủ nhật, 16/04/2023
Như bài viết trước mình có chia sẻ mục tiêu nhỏ mình hướng tới là: Văn phong lập luận logic hơn
Mình đi theo tuần tự các bước sau
Bước 1: Tìm 3 phong cách viết mình thích. Điều này khá dễ với mình vì đây là 3 người mình theo dõi podcast mỗi ngày: Anh Hiếu TV, Duy Thanh Nguyen, và Better version
Bước 2: Nghe và ghi chép lại mạch logic trong từng podcast của mọi người
Bước 3: Rút ra bài học
Bước 4: Áp dụng vào các bài viết của mình
Bước 5: Quan sát phản hồi và điều chỉnh
----
Mỗi ngày mình nghe 1 podcast, phân tích kỹ cách lập luận, viết ra các ý chính, rồi thử áp dụng trong các bài viết của bản thân. Và đây là những gì mình tự rút ra
1. Tập trung vào mục tiêu của bài viết, tránh lan man.
2. Có dàn ý nội dung từ ý chính, ý phụ. Phân tích từ tổng quát tới chi tiết, từ trong ra ngoài hoặc từ trái qua phải. Làm sao để nhìn thấy toàn cảnh của chủ đề chứ không phiến diện một chiều.
3. Có các ví dụ để làm rõ ý của nội dung, có thể là câu chuyện cá nhân, có thể là câu chuyện trong sách, không bị sa đà thành kể về cuộc đời tôi (đây là một sai lầm mình từng gặp ^^)
4. Sử dụng các tư liệu để tham khảo, lập luận mang tính trung lập chứ không bị cá nhân hóa như: với tôi thế này mới đúng, thế kia là sai
5. Bài viết hướng tới mục tiêu là lan tỏa thông điệp hay hành động có ích cho người đọc, chứ không phải đúng sai, tốt xấu, khen chê...
6. Mỗi bài nghe thường có 3-5 ý chính cốt lõi, không ôm đồm nhiều thông tin. Mọi thứ trình bày mạch lạc, để người đọc từ đó xâu chuỗi, mở rộng và tìm kiếm thêm.
7. Không thừa không thiếu, từ phần mở bài, lập luận cho tới kết luận, những nội dung được chia sẻ rất cô đọng, đi trực diện vào vấn đề, mở rộng nhưng cũng rõ ràng các ý, đủ cho người đọc hiểu hơn về ý chính mà không bị ngợp thông tin.
8. Sự khiêm tốn: trên tinh thần chia sẻ những kiến thức mà bản thân viết tới mọi người, chứ không phải để khoe khoang tôi giỏi. Mỗi nội dung khiến mình - là người đọc, cảm giác như một cuộc trò chuyện thân tình từ một người đi trước chia sẻ lại. Để từ đó, mình mở rộng thêm về những điều chưa biết, nỗ lực học hỏi hơn
Khi áp dụng 8 điều trên mình thường đóng vai trò là người đọc chính bài viết mình viết ra và luôn tự hỏi
- Mạch logic của bài viết này là gì?
- Bài viết này nói về chủ đề gì?
- Chủ đề này có giúp ích được cho người đọc? mình sẽ bỏ ngay nếu thấy không có ích
- Có ý nào dễ hiểu sai mình có thể chủ động làm rõ hơn không
- Mình có thể chia sẻ thêm nguồn tài liệu nào cho bài viết?
Cảm ơn bạn đã đọc tới đây
Mình hi vọng sẽ ít nhiều có hữu ích với bạn, và đừng quên chia sẻ cùng mình điều bạn học được nhé